Việc sử dụng hương thơm đang ngày càng phổ biến, thậm chí lạm dụng, không chỉ có trong nước hoa mà còn được cho vào rất nhiều loại sản phẩm khác nhau từ mỹ phẩm như phấn thơm, lăn khử mùi, xà phòng tắm, kem bôi da... cho đến các sản phẩm gia dụng như bột giặt, nước xả vải, nước rửa chén...
Ở góc độ cá nhân, hương thơm giúp con người cảm thấy dễ chịu, thư giãn. Ở góc độ xã hội, nó hỗ trợ cho giao tiếp, giúp người dùng cảm thấy tự tin hơn khi tiếp xúc với người khác. Đó là chưa kể nó có thể trở thành một "vũ khí bí mật" trong tình cảm và đời sống gối chăn.
Được sử dụng phổ biến và có nhiều lợi ích là vậy, nhưng dần dà các nhà khoa học lại phát hiện ra thêm "mặt trái của tấm huy chương", trong dó phải kể đến sự lạm dụng của cả hai phía sản xuất và tiêu dùng.
Một khảo sát được Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ thực hiện năm 1991 cho thấy có đến 95% các hương thơm đang được sử dụng là hoá chất có nguồn gốc từ dầu mỏ thay vì hương liệu tự nhiên như trước đây. Đặc biệt, rất nhiều chất trong các sản phẩm thơm có độc tính đối với cơ thể, như toluen, aceton, focmaldehit, dẫn xuất của benzen, metylen clorua. Trong đó, nhiều chất đã được chứng minh có thể gây ung thư, dị tật bẩm sinh, vô sinh, tổn thương hệ thần kinh.
Tác hại thường thấy của việc lạm dụng hương thơm là gây kích phát các cơn hen (suyễn) nhiều khi rất trầm trọng ở cả người lớn lẫn trẻ em, thường xảy ra đối với các loại hoá chất có mùi thơm trong các sản phẩm gia dụng. Khoa học cũng đã phát hiện mối liên hệ của hoá chất thơm với tình trạng đột tử ở trẻ sơ sinh trong chứng co thắt đường thở do dị ứng. Tình trạng dị ứng còn có thể xảy ra khi dùng những chất có thể xảy ra khi dùng những chất có hương thơm trên da, dẫn đến viêm da tiếp xúc, chàm...
Ngoài việc tác động trên da hoặc đường hô hấp, các hoá chất tạo hương còn có thể thấm qua da và tích luỹ trong cơ thể, gây nhiều tác động có hại. Đặc biệt, ở trẻ sơ sinh, do da rất mỏng nên các hoá chất sẽ dễ thấm qua hơn. Cơ thể trẻ cũng non yếu nên dễ bị ảnh hưởng hơn nhiều.
Hương thơm nhân tạo còn có thể gây tình trạng nhạy cảm đa hoá chất, ngày càng thường gặp. Người bị hội chứng này khi tiếp xúc với một hoá chất có mùi nào đó sẽ bị nhức đầu (có khi rất trầm trọng), buồn nôn, mệt mỏi, thậm chí kích động, mất định hướng, rối loạn hoạt động cơ. Những mùi gây tác hại này có thể là hương thơm nguồn gốc dầu mỏ, có thể là xăng hoặc mùi nhựa trong xe hơi.
Trong quá trình sống, khi cơ thể tích luỹ các hoá chất có mùi theo thời gian đến mức đủ nhiều thì chỉ cần hít vào thêm một lượng nhỏ nữa cũng có thể gây những triệu chứng trên.
Tuy kết quả báo đáng báo động như vậy nhưng tình trạng lạm dụng các hoá chất tạo hương thơm hầu như không được cải thiện vì nhiều lý do. Thứ nhất, không như thuốc được kiểm soát nghiêm ngặt (phải thử nghiệm trên động vật, rồi trên người qua nhiều giai đoạn mới được đưa ra sử dụng), các loại mỹ phẩm hoặc sản phẩm gia dụng có mùi thơm được sản xuất "thoải mái" hơn nhiều. Thứ hai, ở hầu hết các nước, theo luật định đối với nước hoa, vì thành phần hương thơm là bí mật của mỗi hãng sản xuất nên không yêu cầu ghi rõ tên hoá chất mà chỉ cần ghi "hương thơm" (fragrance), dễ tạo kẽ hở cho việc sử dụng các loại hoá chất khó kiểm soát.
Lời khuyên của các nhà chuyên môn là: bạn cần hạn chế tối đa việc sử dụng những sản phẩm có mùi thơm hoá chất. Nên sử dụng sản phẩm không có mùi thơm hoặc chỉ thơm nhẹ, hoặc loại nước hoa sử dụng hương thơm tự nhiên. Nếu muốn có mùi hương trong nhà, nên trồng những loại cây có hoa thơm trước hiên sẽ giúp mang lại cho cả gia đình hương thơm an toàn và một khung cảnh nên thơ nữa.
Ý kiến bạn đọc