Tình yêu ở trong lòng mà không thể nhận biết, phải cậy nhờ đến một bông hoa vô tình, cậy nhờ đến sự ngẫu nhiên… trò chơi lãng mạn và đơn giản này nói lên một sự thật về tình yêu – đó là một tình cảm vừa rất dễ, vừa rất khó nhận diện. Trăm người trăm cách, không ai yêu giống ai. Một quãng đường ai cũng đã từng qua, nhưng nhớ lại, mỗi người riêng một trải nghiệm.
Yêu… say đắm hay điên rồ?
Ngày phát hiện ra Khang có người thứ hai trong khi vẫn đưa đón mình, Hạnh gần như gục ngã. Quyết liệt chia tay, nhưng chỉ hơn tháng sau, không chịu đựng nổi sự thiếu vắng, Hạnh chấp nhận quay lại với Khang, chấp nhận tất cả, kể cả việc anh ta đang có kẻ khác, với hy vọng một ngày nào đó Khang nhận ra tình yêu sâu sắc của mình, một ngày nào đó tình yêu của mình sẽ cảm hóa được người ta. Bất chấp mọi khuyên ngăn của những người quen, Hạnh chỉ trả lời đơn giản: ai có yêu rồi mới biết…
“Yêu hết mình” lại là một dạng khác. Dù không ai cạnh tranh, giành giật với mình, nhưng Linh quan niệm những chia sẻ thân xác chứng tỏ sự hết mình, lòng tin và sự ràng buộc lẫn nhau đối với người mình yêu. Chỉ sau vài thất bại, nàng mới nhận ra sự ràng buộc này là ngu xuẩn. Vì khi chưa thỏa mãn, người ta còn theo đuổi, còn một khi “con ong đã tỏ đường đi lối về” rồi thì đâu cần màu mè chi nữa, thôi theo đuổi đã đành, mà còn có khi vội vàng cao chạy xa bay vì sợ trách nhiệm.
Không chỉ riêng các nàng, mà đến các chàng cũng bấn búi giữa rừng yêu. Chiều chuộng, trồng cây si thì dễ rơi vào tình cảnh “dại gái”. Mà không “dại” thì lỡ có tên khác nhào vô “dại”, rinh mất nàng thì nguy. Dễ thấy cảnh bên bàn nhậu các anh ngồi lại với nhau, chịu khó tìm thầy học hỏi kinh nghiệm, phát triển nghệ thuật cưa cẩm các loại. Học kiểu này cũng có cái dở, bởi vì các “tiền bối” thường cũng chẳng có kiến thức, kỹ năng gì hơn.
Con đường phổ biến nhất đối với giới trẻ hiện nay vẫn là phim ảnh, thay vì tiểu thuyết như thế hệ cha chú trước đây. Vì vậy, những mối tình kiểu “tuyết nhiệt đới”, hay hoang tưởng, mơ mộng lãng mạn và bi thảm kiểu Hàn Quốc, hay hầm hố bạo liệt kiểu Mỹ… được tái diễn khá nhiều trong thực tế. Phim thì thường ngắn, dồn nén sự kiện, vì vậy, đặc trưng chung của tình yêu thời nay cũng là sự “ngắn”, sự “dồn nén sự kiện” và tính “diễn”. Một nét chung dễ thấy nữa là: kiểu nào cũng hơi… điên điên. Làm như hễ yêu thì phải hơi… điên rồ vậy!
Logic hay phi logic?
Tình yêu phi logic, nhưng tình yêu tồn tại trong mỗi con người, mà con người thì không phải ai cũng phi logic. Thành ra vẫn có thể có một tính duy lý nhất định nào đó trong tình yêu, một kiểu “phong cách yêu” mang đặc trưng của tính cách, của văn hóa, của nền tảng giáo dục và nền tảng gia đình.
Các chuyên gia cho rằng con người thể hiện sự gần gũi, yêu thương, gắn bó theo từng cấp độ. Cấp độ đầu tiên là sự gần gũi vật lý: nắm tay, cho và nhận hơi ấm, cảm giác thân mật gần gũi, thích gặp nhau, ở cạnh nhau, tiến dần đến ôm, hôn và tình dục. Cấp độ thứ hai là sự chia sẻ về tâm hồn, gồm trao đổi suy nghĩ, cảm nhận, bù đắp kiến thức, làm giàu hiểu biết lẫn nhau, hiểu rõ những diễn biến tâm lý của nhau. Và cấp độ thứ ba, cuối cùng, là quan hệ xã hội, những người bạn bè chung, mối quan hệ ràng buộc chung, hưởng thụ văn hóa chung. Các cấp độ không phân tách rõ ràng mà phát triển hài hòa nối tiếp, kế thừa lẫn nhau, bổ khuyết cho nhau. Trên cơ sở mức độ tập trung của những điều này, người ta có thể định ra một số dạng tình yêu.
Dạng tình yêu dễ nhận biết nhất là dạng si mê, hay còn gọi là “tình yêu sét đánh”. Tất cả mọi người, mọi giới đều có thể trải qua cảm giác này vào một lúc nào đó. Yếu tố đam mê, mù quáng là nổi bật, yêu mà không lý giải được tại sao. Đây là dạng đơn giản, cấp độ một, nhưng lại là dạng dễ khiến người ta ngộ nhận là một tình yêu mãnh liệt và sâu sắc. Tuy nhiên, dạng tình yêu si mê thường nông cạn, chóng qua, tàn nhanh như khi đến. Nếu được duy trì và phát triển ở hướng tích cực nhất, tình yêu si mê có thể chuyển sang những dạng tình yêu khác đằm thắm và bền vững hơn.
Tình yêu lãng mạn phát triển hơn tình yêu si mê ở sự thân mật, gần gũi về tâm hồn, nhưng nó hoặc tan vỡ giữa chừng, hoặc không có sự ràng buộc nào cả. Tình yêu lãng mạn chứa đựng cả sấm sét mùa hè lẫn những đêm rả rích mưa thu, nó vừa mạnh mẽ, vừa đằm thắm, khiến người ta thương nhớ mãi không thôi. Không có tính bền vững của những ràng buộc xã hội, tình yêu lãng mạn thường chỉ là những hoài niệm trong đời.
Tình yêu hoàn hảo và trọn vẹn bao gồm cả ba cấp độ: đam mê, chia sẻ và ràng buộc. Khởi đầu bằng sự hấp dẫn lẫn nhau, họ tiến đến tìm hiểu, chia sẻ và thân mật với nhau về mặt tâm hồn, song song với việc duy trì sự cuốn hút lẫn nhau về mặt thể xác. Sự ràng buộc – hôn nhân – không phải là dấu chấm hết mà chính là “dấu chấm trên đầu chữ i”, hoàn thiện và bền vững hóa quan hệ của họ. Nhà tâm lý học người Mỹ Robert Sternberg cho rằng xây dựng một tình yêu hoàn hảo cũng giống như quá trình ăn kiêng giảm cân của chị em phụ nữ: bắt đầu thì dễ nhưng duy trì lâu dài thì khó khăn hơn gấp vạn lần.
Cuối cùng, tình yêu rỗng hay còn gọi là tình yêu ràng buộc được nhận diện bằng hàng loạt yếu tố chung thuộc cấp độ ba: sự gắn bó, địa vị - vai trò xã hội, hưởng thụ văn hóa, gia đình… nhưng thiếu sự gần gũi, ham muốn (cấp độ một), hoặc thiếu sự thân mật, chia sẻ tâm hồn (cấp độ hai). Phương Đông thường cũng gọi mối quan hệ này là “tình nghĩa”. Nhưng nếu thiếu sự chia sẻ về mặt tâm hồn, sự gần gũi ham muốn thể xác cũng sẽ chết dần, và chỉ còn lại sự ràng buộc trống rỗng nặng nề, nhiều khi sẽ dẫn đến hận thù, ích kỷ. “Tình yêu rỗng” thường thấy trong những đời sống hôn nhân kéo dài, thiếu lửa, mệt mỏi, họ chỉ còn bị ràng buộc với nhau bằng những bổn phận và nghĩa vụ.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, rằng đời sống hôn nhân trong trường hợp này không phát triển gì nữa, dạng “tình yêu rỗng” lại là kiểu tình yêu có nhiều biến chuyển nhất. Tốt lên, trung bình hoặc kém đi là do vận động của mỗi một cá nhân.
Học cách yêu thương
Khả năng xây dựng các mối quan hệ xã hội phụ thuộc rất lớn vào trình độ giáo dục và môi trường phát triển của mỗi cá nhân. Những đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương, được dạy cách thể hiện tình yêu của mình, được dạy cách tránh xa sự ích kỷ, thù hận, những đứa trẻ ấy có khả năng xây dựng những tình yêu hoàn hảo và trọn vẹn trong cuộc sống sau này. Đơn giản vì chúng có những kinh nghiệm nhìn thấy và học được từ người đi trước. Học vấn và những trải nghiệm cá nhân là một phương diện quan trọng khác nữa. Nói theo cách nào đó, người ta có thể học yêu thương từ gia đình, từ cha, từ mẹ, từ ông bà, và học trong suốt cả quá trình trưởng thành, cho đến khi lập gia đình, sinh con cháu…
Những bài học tình yêu không thể dạy cho ai chưa muốn học, không thể dạy trong lớp, bằng chữ bằng lời đọc viết ghi chép, mà bằng cuộc sống, bằng việc làm hằng ngày. Làm sao cho những tính cách yêu cuồng, sống vội, mù quáng, nhầm lẫn sự chiếm đoạt, lợi dụng với tình yêu… không ăn vào đầu óc trẻ.
Không thể coi câu chuyện tình yêu là câu chuyện chỉ của riêng những người trẻ, những người đang trong độ tuổi yêu. Trong những gương mặt khác nhau của tình yêu, gương mặt trẻ chỉ là phần khởi phát. Phần chiều sâu, phần dày dặn, phần có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của tình yêu nằm ở độ tuổi khi người ta đã trưởng thành, trong sự chia sẻ, trong tổ ấm gia đình, trong sự gìn giữ lẫn nhau và cùng gìn giữ cuộc sống chung.
Ý kiến bạn đọc